Lịch sử La Gi

Nguồn gốc tên gọi

Trước khi tên gọi La Gi được dùng làm địa danh hành chính, La Gi hay đúng hơn là La Di đã xuất hiện trong tên gọi của cửa La Di (Hán văn: 羅夷汛, âm Hán Việt: La Di tấn) và sông La Di (羅夷江 La Di giang).[4] Dưới thời Pháp thuộc, âm Di trong các tên gọi trên đã bị thay đổi cách viết từ Di thành Gi để người Pháp có thể đọc gần đúng với cách gọi trong tiếng Việt. Nếu vẫn viết là Di thì nhiều người Pháp sẽ căn cứ theo cách phát âm của chữ d trong tiếng Pháp mà đọc Di là /di/ (giống chữ đi trong tiếng Việt), rất khác với cách phát âm trong tiếng Việt.[5]

Lịch sử

Khoảng giữa thế kỉ XIX, tại khu vực trung tâm thị xã La Gi ngày nay có 2 làng Phước Lộc và Hàm Tân thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận. Với tiềm năng thiên nhiên phong phú, La Gi đã quy tụ nhiều người dân miền Trung, miền Nam đến đây định cư lập nghiệp, biến vùng đất màu mỡ này thành các làng mạc sầm uất.

Năm 1916, huyện Hàm Tân được thành lập dựa trên phần lớn đất đai của huyện Tuy Lý, gồm 2 tổng Phong Điền và Phước Thắng. Trụ sở huyện đặt tại làng Hàm Tân nên trở thành tên huyện.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Bình Tuy gồm 3 quận Hàm Tân, Tánh LinhHoài Đức. Tỉnh lỵ đặt tại Hàm Tân, về mặt hành chính thuộc xã Phước Hội, quận Hàm Tân. Địa bàn xã Phước Hội gần tương ứng với các phường Phước Hội, Phước Lộc, Tân An, Tân Thiện và xã Tân Phước ngày nay.

Về phía chính quyền cách mạng, năm 1968, Tỉnh ủy Bình Tuy thành lập thị xã La Gi gồm các xã: Phước Hội, Bà Giêng, Hiệp Hòa.

Cuối năm 1975, sáp nhập thị xã La Gi vào huyện Hàm Tân.

Ngày 13 tháng 3 năm 1979, thị trấn La Gi được thành lập trên cơ sở giải thể xã Tân Hòa và là huyện lị huyện Hàm Tân[6].

Ngày 5 tháng 9 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2005/NĐ-CP về việc thành lập thị xã La Gi thuộc tỉnh Bình Thuận[7]. Theo đó:

  • Thành lập thị xã La Gi được thành lập trên cơ sở tách thị trấn La Gi và 4 xã: Tân An, Tân Bình, Tân Hải, Tân Thiện thuộc huyện Hàm Tân.
  • Thành lập 4 phường: Phước Hội, Phước Lộc, Tân An, Tân Thiện và xã Tân Phước trên cơ sở giải thể thị trấn La Gi và các xã Tân An, Tân Thiện.
  • Thành lập phường Bình Tân trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Tân Bình.
  • Chia xã Tân Hải thành 2 xã: Tân HảiTân Tiến.

Sau khi thành lập, thị xã La Gi có 18.282,64 ha diện tích tự nhiên và 112.558 nhân khẩu với 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 5 phường và 4 xã.

Ngày 27 tháng 12 năm 2017, Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận thị xã La Gi là đô thị loại III[1].